Playtime của Jacques Tati có lẽ là thành quả hùng tráng duy nhất của điện ảnh hiện đại, phim đã đạt được những mục tiêu hiện đại chuẩn mực khi phá vỡ lối kể chuyện khép kín dạng cổ điển và khám phá ra một hình thức kể chuyện mới, cởi mở, không những vậy mà còn dùng hình thức kể chuyện mới đó để sản sinh khung cảnh của toàn thể xã hội. Sau khi gầy dựng được một lượng độc giả vững chắc ở tầm quốc tế với ba bộ phim hài Jour de fête, Mr. Hulot’s Holiday, và Mon oncle, Tati bỏ ra mười năm lập kế hoạch tạo ra một bộ phim sẽ trở thành kiệt tác sau này, ông bán hết quyền sở hữu những bộ phim cũ của mình để có thêm số tiền cần thiết nhằm xây dựng những khung cửa kiếng và bộ khung sắt thép khổng lồ – với tên gọi thân mật là “Tativille” – đó là cách mà Tati nhìn về một Paris hiện đại. Bộ phim – dài 2 giờ 35 phút, dùng phim nhựa 70 mm và âm thanh nổi (stereophonic) – mở màn tại Pháp năm 1967, và ngay lập tức gặp thất bại. Khi bộ phim được phát hành tại Mĩ năm 1972, người ta nhanh chóng rút ngắn phim còn 108 phút, dưới sự giám sát của Tati, rồi sau đó lại giảm xuống còn 93 phút và dùng phim nhựa 35 mm với âm thanh đơn (monaural). Thậm chí với hình thức thu gọn như thế, nó vẫn là một bộ phim tầm cỡ, với mật độ dày đặc và đầy sáng tạo.